THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM VÀ TÁI THẨM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM

THỦ TC GIÁM ĐỐC THM VÀ TÁI THM TRONG TỐ TNG HÌNH SỰ Ở VIT NAM

Ở Việt Nam, xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo các Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 1960, 1981, 1993 và 2002 thì hệ thống Tòa án ở Việt Nam được tổ chức theo địa giới hành chính bao gồm Tòa án nhân dân (TAND) cấp quận, huyện; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND Tối cao. Trong quân đội các Tòa án được tổ chức ở ba cấp thành thành Tòa án quân sự (TAQS) khu vực, Tòa án quân sự cấp quân khu và Tòa án quân sự Trung ương. Trước năm 2003 khi nhà nước ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự thứ hai thay thế cho BLTTHS năm 1988, nguyên tắc xét xử 2 cấp vẫn được thực hiện trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự (trừ một số trường hợp đặc biệt) mặc dù nguyên tắc này không được thể chế hóa trong một điều luật cụ thể nào (trước năm 1988 Tòa hình sự TAND Tối cao và Tòa án quân sự Trung ương được thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm các vụ án hình sự phức tạp, nghiêm trọng). Trong BLTTHS năm 2003, Điều 20 với tên gọi “Thực hiện chế độ hai cấp xét xử” quy định:
“1. Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi quyết định được ban hành hoặc sau khi Tòa phúc thẩm tuyen án.
2. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.” 

Thực hiện chế độ hai cấp xét xử vừa bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, vừa là điều kiện để Tòa án cấp trên trực tiếp khắc phục những sai sót có thể có của Tòa án cấp sơ thẩm. Mặc dù các qui định của pháp luật tố tụng hình sự đã tạo ra một cơ chế như trên để phòng ngừa và khắc phục những khuyết điểm có thể xảy ra trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, nhưng cơ chế này cũng chưa bảo đảm chắc chắn mọi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp hoàn toàn “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” như mong muốn của toàn xã hội. Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án vẫn có thể có những sai lầm hoặc không có căn cứ pháp luật. Khi phát hiện những sai lầm thì các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. 

Trong BLTTHS 1988 cũng như BLTTHS 2003 đều có các qui định về trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm. Cả giám đốc thẩm và tái thẩm được hiểu không phải là một cấp xét xử mà là một thủ tục đặc biệt theo đó bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực được xem xét lại trên cơ sở có kháng nghị của người có thẩm quyền khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án hoặc phát hiện các tình tiết, chứng cứ mới mà các tình tiết, chứng cứ mới này chưa được xem xét và đánh giá ở trong các giai đoạn xét xử trước. 

Điều 241 BLTTHS 1988 qui định “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án”. Điều 272 BLTTHS 2003 đã sửa đổi qui định trên đây với nội dung “Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trng trong việc xử lý vụ án”. Như vậy, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hiện nay là vi phạm pháp luật nghiêm trọng bao gồm: 

– Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 

– Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 

– Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; 

– Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự. 

(Điều 273 BLTTHS 2003)
Điều 260 BLTTHS 1988 và Điều 290 BLTTHS 2003 đều qui định “Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”. Những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định của Tòa án bao gồm: 

– Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật; 

– Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai; 

– Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật; 

– Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật. (Điều 291 BLTTHS 2003). 

Khi phát hiện một hay nhiều các tình tiết nêu trên, những người có thẩm quyền sẽ ra kháng nghị và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Để xem xét bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm được đúng đắn, cần thiết phải điều tra, xác minh và thẩm định các tình tiết mới được phát hiện nên pháp luật tố tụng hình sự qui định chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp mới có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự tái thẩm. Điều 293 BLTTHS 2003 qui định:
“Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới. 

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.” 

Điều 275 BLTTHS 2003 qui định về những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với nội dung sau:
“Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới. 

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới.” 

Từ qui định trong hai điều luật nói trên có thể rút ra mấy kết luận sau đây: Phạm vi những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm rộng hơn phạm vi người có quyền kháng nghị tái thẩm; người có quyền kháng nghị tái thẩm có quyền kháng nghị giám đốc thẩm nhưng Chánh án Tòa án các cấp không có quyền kháng nghị tái thẩm; Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp đều có thể bị kháng nghị và xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trừ Quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao; Ở Việt Nam, Quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là phán quyết cuối cùng của Tòa án. 

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 có một số thay đổi trong đó có một thay đổi liên quan tới thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm trong tố tụng hình sự là ở TAND Tối cao không còn tồn tại Ủy ban thẩm phán nữa. Chính vì vậy, theo BLTTHS 2003, thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm được qui định tại Điều 279 và Điều 296 với các nội dung sau:
“Điều 279. Thẩm quyền giám đốc thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.
2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án quân sự trung ương giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.
3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự trung ương, của Toà hình sự, các Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao bị kháng nghị.” 

“Điều 296. Thẩm quyền tái thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.
2. Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tòa án quân sự trung ương tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu.
3. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự trung ương, Toà hình sự, các Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.” 

Như vậy, có thể thấy rằng, ở Việt Nam, cơ quan nào có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm thì cũng có quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm. 

BLTTHS 2003 qui định trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm liên quan tới những người tham gia giải quyết vụ án, thành phần Hội đồng giám đốc thẩm và tái thẩm giống nhau.
“Điều 280. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm
Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.
Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.”
“Điều 281. Thành phần Hội đồng giám đốc thẩm
1. Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án quân sự trung ương gồm ba Thẩm phán. Nếu Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán tham gia xét xử.
Quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán tán thành.
2. Tại phiên tòa giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi biểu quyết về nội dung kháng nghị thì phải biểu quyết theo trình tự những ý kiến đồng ý với kháng nghị, những ý kiến không đồng ý với kháng nghị. Nếu không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành, thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên.
Nếu đã triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Trong trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng giám đốc thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử.”
“Điều 282. Chuẩn bị phiên tòa và thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm 

1. Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi trước cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm. 

2. Tại phiên tòa, một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.”
So với qui định tương ứng trongBLTTHS năm 1988 có những thay đổi và bổ sung mới liên quan tới cách thức biểu quyết của các thành viên tham gia phiên tòa. 

“Điều 281.
2. Tại phiên tòa giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi biểu quyết về nội dung kháng nghị thì phải biểu quyết theo trình tự những ý kiến đồng ý với kháng nghị, những ý kiến không đồng ý với kháng nghị. Nếu không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành, thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên.
Nếu đã triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Trong trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng giám đốc thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử.
“Điều 282.
1. Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi trước cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.”
Những thay đổi nêu trên là những bảo đảm cho hiệu quả của phiên tòa xét xử. Tuy nhiên, vẫn còn một hạn chế là người bị kết án, người bào chữa chỉ được triệu tập tới tham gia phiên tòa khi Tòa án xét thấy cần thiết. Trong thực tiễn, chúng tôi thấy việc Tòa án triệu tập người bị kết án và người bào chữa tới phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm hầu như không có. Điều này đã tước bỏ quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị kết án, vi phạm một trong những nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng hình sự nêu trong Điều 11 BLTTHS 2003. Ngoài ra, việc pháp luật qui định Chánh án Tòa án có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, sau đó lại chính những người này ngồi chủ tọa phiên tòa xem xét kháng nghị của chính mình làm cho việc giải quyết vụ án không được khách quan. 

Để khắc phục tình trạng nêu trên, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi những qui định liên quan đến giám đốc thẩm và tái thẩm theo hướng: Chỉ Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền mới được kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm. Người bị kết án và người bào chữa của họ có quyền được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm